ĐỘNG LỰC BÊN TRONG VÀ ĐỘNG LỰC BÊN NGOÀI

Động lực bên trong liên quan đến việc hoàn thành nhiệm vụ vì niềm vui, sở thích. Và động lực bên ngoài liên quan đến việc hoàn thành nhiệm vụ để tránh bị trừng phạt hoặc kiếm được phần thưởng.

Động lực bên trong là gì?

Động lực bên trong (động lực nội tại) xảy ra khi chúng ta hành động mà không có bất kỳ phần thưởng bên ngoài rõ ràng nào. Chúng ta chỉ đơn giản là thích một hoạt động hoặc coi đó là cơ hội để khám phá, học hỏi và hiện thực hóa tiềm năng của mình. Nói cách khác, chúng ta đang thực hiện hoạt động này vì một số mục tiêu bên trong chứ không phải một phần thưởng bên ngoài nào đó. Khi đó, hành vi tự nó trở thành phần thưởng.

Chẳng hạn như:

- Dọn dẹp nhà cửa vì bạn thích nó gọn gàng.

- Chơi một trò chơi bóng đá vì bạn yêu thích môn thể thao này.

- Đọc một cuốn sách về một chủ đề mà bạn quan tâm.

- Trả lời câu đố vì bạn thích thử thách.

Động lực bên ngoài là gì?

Động lực bên ngoài liên quan đến tiền bạc, danh tiếng,… Động lực bên ngoài đề cập đến hành vi được thúc đẩy bởi phần thưởng bên ngoài. Những phần thưởng này có thể là hữu hình, chẳng hạn như tiền bạc, điểm số; hoặc vô hình, chẳng hạn như lời khen ngợi, danh tiếng. Không giống như động lực bên trong (phát sinh từ bên trong cá nhân), động lực bên ngoài tập trung hoàn toàn vào phần thưởng bên ngoài.

Những người có động lực bên ngoài có thể tiếp tục thực hiện một hành động, ngay cả khi điều đó không mang đến niềm vui, sự thỏa mãn. Chẳng hạn, làm một công việc không thích để kiếm tiền.

Dưới đây là một số ví dụ khác về động lực bên ngoài:

- Dọn dẹp nhà cửa để bạn cùng phòng không khiển trách bạn.

- Chơi một trò chơi bóng đá vì bạn muốn giành được một danh hiệu.

- Đọc sách vì bạn muốn đạt điểm cao ở trường.

- Trả lời câu đố vì bạn muốn giành được giải thưởng.

Động lực bên trong và bên ngoài: Cái nào tốt hơn?

Mặc dù phương pháp quản lý theo kiểu cây gậy và củ cà rốt đã được áp dụng trong nhiều thế hệ, nhưng khen thưởng và trừng phạt thường chỉ mang đến hiệu quả ngắn hạn. Khi thành tích tốt được liên kết chặt chẽ với phần thưởng, những nhân viên có động lực bên ngoài sẽ không nhận thêm trách nhiệm trừ khi điều đó mang đến tiền bạc, danh tiếng,…

Trong khi đó, nỗi sợ hãi về những hình phạt sẽ khiến nhân viên nhanh chóng rời bỏ công ty. Mặc dù nhân viên có thể làm việc chăm chỉ hơn trong thời gian ngắn để tránh bị trừng phạt, nhưng mức độ gắn bó của họ có xu hướng rất thấp.

Chính vì vậy, người ta thường đề cao động lực từ bên trong. Động lực bên trong là phương pháp đạt được mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ hiệu quả và lâu dài hơn. 

Ứng dụng động lực bên trong trong công việc

Động lực bên trong và động lực bên ngoài không hề tồn tại độc lập với nhau. Và khi chúng được kết hợp với nhau, hiệu quả làm việc của nhân viên sẽ được nâng cao. Chính vì thế, bên cạnh phần thưởng và hình phạt, người quản lý cũng nên xây dựng động lực bên trong cho nhân viên của mình.

Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp

Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân viên với nhân viên, nhân viên với nhà quản lý tạo ra một môi trường làm việc tích cực; thúc đẩy động lực nội tại một cách tự nhiên, dẫn đến năng suất cao hơn. Khi nhân viên thích và tôn trọng đồng nghiệp/ sếp của họ, họ sẽ làm việc tích cực hơn, bởi vì họ cảm thấy hài lòng khi hỗ trợ các thành viên trong nhóm hoàn thành tốt công việc.

Cho nhân viên thấy giá trị mà công việc của họ mang lại

Hiểu giá trị và cách thức công việc ảnh hưởng đến sự thành công của doanh nghiệp có thể thay đổi quan điểm của nhân viên. Thay vì cho rằng đóng góp của họ nhỏ bé như một giọt nước trong đại dương, nhân viên sẽ say mê công việc khi nhận thấy những việc họ làm là yếu tố không thể thiếu giúp công ty phát triển.

Giao thêm nhiệm vụ mới cho nhân viên của bạn

Mặc dù sự chuyên môn hóa có thể giúp tăng năng suất lao động. Nhưng việc làm đi làm lại một nhiệm vụ mỗi ngày sẽ khiến nhân viên của bạn cảm thấy chán nản. Bạn cũng cần biết rằng, nhiều người cảm thấy hứng thú làm việc vì công việc đó có nhiều thử thách. Khi thử thách mất đi, động lực đồng thời sẽ biến mất. Chính vì vậy, bạn nên giao thêm cho họ những nhiệm vụ mới. Điều này vừa giúp họ có thêm động lực để làm việc, vừa cho phép họ học hỏi kiến thức mới để phát triển con đường sự nghiệp.

Nguồn: Sưu tầm