THẤU HIỂU NGHỀ NHÂN SỰ: CHUYÊN VIÊN C&B

Tất cả các khoản liên quan đến lương và phúc lợi đều được thiết lập, quản lý và trả cho nhân viên một cách hợp lý. Đây là công việc mà các Chuyên gia Lương, thưởng và Phúc lợi trong phòng ban Nhân sự sẽ đảm nhận.

Đa số nhân viên đi làm không chỉ vì họ yêu thích công việc đó, dù cho có làm việc vì niềm đam mê và sở thích đi chăng nữa thì bản chất việc đi làm phải đáp ứng được các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống và đảm bảo nguồn thu nhập tài chính. 

Nhân viên làm việc cực lực và cống hiến cho công ty với mong muốn là được phát triển, thăng tiến và đặc biệt hơn hết là tăng thu nhập cá nhân.

Chuyên viên Lương, thưởng và Phúc lợi sẽ là người chịu trách nhiệm cho các khâu liên quan đến lợi ích và tài chính của nhân viên.

1. Chuyên viên C&B, họ là ai và hệ thống lương, thưởng và phúc lợi là gì?

Hiểu đơn giản, Chuyên viên C&B có nhiệm vụ thiết lập và xây dựng hệ thống lương, thưởng và phúc lợi của doanh nghiệp cho bộ máy nhân sự. Bao gồm tất cả các khoản như: tiền lương, thưởng, hoa hồng, ...

Ở điểm này chúng ta cần phải hiểu cặn kỹ hơn là Chuyên viên C&B sẽ không trực tiếp thực hiện các công việc như tính lương, tính thưởng, tính hoa hồng, thực hiện chấm công, tính giờ làm hay tính BHXH, Thuế TNCN nữa

Lương, thưởng và phúc lợi nằm trong bộ 3 chủ chốt của phòng ban Nhân sự gồm có: Tuyển dụng, Đào tạo và phát triển, Lương, thưởng và phúc lợi. 

Hệ thống lương, thưởng và phúc lợi được xây dựng và phụ trách bởi các chuyên gia thuộc phòng ban Nhân sự. Nó đóng vai trò thúc đẩy động lực làm việc của nhân viên. Hệ thống này này đánh giá nhân viên dựa trên năng lực, khả năng và mức độ hoàn thành công việc.

Chuyên viên C&B là những người đảm bảo nhân viên được trả công đúng hạn và xứng đáng với năng lực của họ.

2. Tầm quan trọng của Chuyên viên C&B và Hệ thống lương thưởng và phúc lợi

Sự thật hiển nhiên là không ai làm việc không công cả trừ khi đó là tổ chức phi lợi nhuận mới có thể yêu cầu người lao động làm việc không lương. Điều này cũng tạo nên mối quan hệ có qua có lại giữa sếp và nhân viên là “khi tôi làm việc và cống hiến cho cấp trên thì chắc chắn cấp trên phải trả cho tôi mức xứng đáng với những gì tôi bỏ ra”. Hệ thống lương thưởng là biểu hiện của mối quan hệ công bằng này

Việc xây dựng hệ thống lương thưởng phức tạp, không chỉ có những điều luật quy định về các chính sách phúc lợi hay lương thưởng. Hệ thống này cần được xây dựng dựa trên các đánh giá và sự thống nhất giữa cấp trên, quản lý của các phòng ban chức năng họp lại với nhau để đưa ra được chiến lược thực hiện xây dựng hệ thống này. 

Chuyên viên C&B là người nắm quyền hạn trực tiếp trong từng khâu đánh giá, thống nhất, đưa ra chiến lược xây dựng và thực hiện phù hợp nhất với thực trạng doanh nghiệp.

Hệ thống lương, thưởng và phúc lợi do các chuyên viên C&B của bộ phận Nhân sự xây dựng và phát triển. Nên tầm quan trọng và nhiệm vụ chính của một chuyên viên C&B chính là xây dựng được một hệ thống lương, thưởng và các chế độ phúc lợi phù hợp với ngân sách của doanh nghiệp và đáp ứng được nhu cầu của nhân viên. 

Doanh nghiệp tuyển dụng nhân viên để họ làm việc và phát triển công ty. Nhân viên khi làm việc ở doanh nghiệp để phục vụ nhu cầu tài chính và phát triển mục tiêu nghề nghiệp. 

Một trong những yếu tố to lớn khiến cho ứng viên chọn doanh nghiệp đó để ứng tuyển ngoài thương hiệu và profile doanh nghiệp ra thì mức lương và phúc lợi họ có được từ doanh nghiệp đó chính là yếu tố để thuyết phục họ chọn công ty đó. 

Chế độ phúc lợi phù hợp và lương xứng đáng không chỉ thu hút được ứng viên tiềm năng mà còn có được sự tín nhiệm của nhân viên, tạo được động lực cho nhân viên phát huy năng lực, làm việc hiệu quả và cống hiến nhiều hơn cho doanh nghiệp.

Ngược lại, đối với doanh nghiệp có mức lương ít, bóc lột chất xám và sức lao động của nhân viên hiển nhiên thương hiệu của doanh nghiệp sẽ bị cho là kém chuyên nghiệp, thiếu công bằng và gây hậu họa về sau. 

Mức lương của nhân viên được đánh giá dựa trên các yếu tố như kinh nghiệm làm việc và trình độ học vấn. Ngoài kỹ năng cứng, các kỹ năng mềm như kỹ năng quản lý, kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo, quản lý thời gian… cũng được được xem là yếu tố cân nhắc khi đánh giá bảng lương cá nhân.

Kiến thức và kỹ năng nhân viên tự bổ sung trong quá trình làm việc cũng giúp bảng đánh giá năng lực và đánh giá lương, thưởng cá nhân trở nên khách quan hơn và hiển nhiên mức thu nhập cũng sẽ tăng bằng các khoản thưởng thêm. Đây là một cách thúc đẩy động lực của nhân viên thường thấy ở doanh nghiệp.

3. Phương pháp thực hiện xây dựng hệ thống lương, thưởng

Chuyên viên C&B sẽ thực hiện khảo sát lương để xác định được mức lương của thị trường là ở mức bao nhiêu. Bảng khảo sát này có mức lương của các doanh nghiệp cho từng vị trí, toàn bộ dữ liệu được phân tích, đánh giá và thống nhất mức lương hợp lý doanh nghiệp có thể trả cho vị trí đó.

Lưu ý nhỏ khi thực hiện khảo sát này chính là sự khác biệt về cơ cấu nhân sự của từng doanh nghiệp.

Ví dụ: Marketing Manager của phòng ban có 80 nhân sự sẽ khác với Marketing Manager của phòng ban có 40 nhân sự (khác biệt ở bảng mô tả công việc, khu vực phụ trách, mức lương…)

Chuyên viên C&B không chỉ đo lường mức lương cho 1 vị trí mà là cho hệ thống lương. Bởi vì, mỗi nhân viên có năng lực và vị trí khác nhau nên sẽ không hợp lý lắm nếu trả chung một mức lương cho toàn bộ nhân sự. Người này sẽ có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng hơn người kia và hiển nhiên họ sẽ phải được hưởng mức lương cao xứng đáng với năng lực của họ.

Để quyết định được mức lương như thế nào là phù hợp với nhân viên, cần dựa trên các tiêu chí sau:

- Bằng cấp cao nhất (loại bằng và lĩnh vực)
- Năm kinh nghiệm
- Nhiệm kỳ làm việc trong công ty
- Nhiệm kỳ đảm nhận công việc
- Mức lương hiện tại
- Làm việc toàn thời gian
- Chế độ miễn và không miễn
- Cấp bậc và phân loại bậc lương
- Vị trí đảm nhận (nếu họ đảm nhận nhiều vị trí
- Đánh giá hiệu quả công việc

4. Những kỹ năng quan trọng Chuyên viên C&B cần phải có

4.1. Kỹ năng thuyết phục và đàm phán

Khả năng giao tiếp của một chuyên viên Lương, thưởng thể hiện thông qua 2 hình thức lời nói và văn bản.

Đối tượng làm việc của vị trí này gồm có nhân viên các cấp, quản lý, trưởng các phòng ban chức năng và các cấp lãnh đạo. Công việc của chuyên viên C&B là xây dựng chính sách lương, thưởng và phúc lợi, nếu muốn bảo vệ được những quyền lợi này của nhân viên, chuyên viên C&B cần phải có kỹ năng đàm phán và thuyết phục ban lãnh đạo rằng những tiêu chí được đề ra trong chiến lược xây dựng hệ thống lương thưởng này là hợp lý.

Bên cạnh đó, việc truyền tải thông tin qua các văn bản được ban hành cũng cần phải rạch ròi, rõ ràng, mạch lạc và dễ hiểu. 

4.2. Kỹ năng phân tích và nhạy bén với thị trường

Để xây dựng được một hệ thống quản lý lương thưởng phù hợp thì họ cần phải tham khảo lương thị trường chung của các doanh nghiệp thông qua báo cáo, thu thập dữ liệu và phân tích. Kỹ năng này nhằm mục đích xác định được mục tiêu kinh doanh và thúc đẩy sự phát triển hệ thống lương của doanh nghiệp.

Ngoài ra, sự nhạy bén trong công việc giúp chuyên viên C&B linh hoạt trong các khâu xử lý các mục thưởng sáng tạo cũng như các đề xuất phúc lợi ảnh hưởng đến tài chính của doanh nghiệp.

4.3. Kỹ năng lãnh đạo và cân bằng bản thân trong công việc

Chuyên viên C&B là những người dày dặn kinh nghiệm và cứng tay trong chuyên môn vì vậy họ không có sự giám sát hay theo dõi, họ cần phải có khả năng tự lãnh đạo và chủ động trong công việc. Chẳng hạn như liên hệ để thu thập đánh giá nhân viên từ quản lý của các phòng ban chức năng, giám sát và đốc thúc năng suất nhân viên.

Rủi ro trong công việc luôn tồn tại, vì vậy những người đảm nhận vị trí này cần phải giữ tâm lý vững, giải quyết các tình huống bất ngờ xảy đến và khối lượng công việc của họ tương đối nhiều nên việc cân bằng công việc sẽ giúp ích rất nhiều cho các chuyên viên.

Nguồn: sưu tầm