HOÀN THIỆN CHIẾN LƯỢC TÌM VIỆC VỚI 5 BƯỚC ĐƠN GIẢN

Bạn đang nỗ lực để tìm một công việc mới trong thời điểm bấp bênh này? Mọi thứ quả thật là khó khăn, nhưng chúng tôi có 5 mẹo đơn giản sau để giúp bạn thành công với chiến lược tìm việc của mình đấy!

Thành thật mà nói - tìm việc làm cũng có thể xem là một công việc toàn thời gian rồi đấy. Bạn sẽ mất nhiều thời gian và năng lượng, cộng với cả sự kiên nhẫn để theo đuổi chặng đường dài này, đặc biệt là khi tình hình dịch COVID-19 vẫn còn khó đoán. Nếu không xây dựng một hướng tiếp cận hợp lý, quá trình tìm kiếm công việc mơ ước có thể thất bại bất cứ lúc nào!

HOÀN THIỆN CHIẾN LƯỢC TÌM VIỆC TRƯỚC KHI BẮT ĐẦU HÀNH ĐỘNG

1. XÁC ĐỊNH RÕ ĐIỀU BẠN MONG MUỐN

Để đi đúng hướng, hãy ngồi lại và xác định rõ con đường sự nghiệp mà bạn muốn đi.

Bạn thích loại hình công ty nào – Công ty đa quốc gia, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ chức phi lợi nhuận hay công ty khởi nghiệp? Bạn muốn ở lại cùng ngành hay chuyển sang một lĩnh vực mới? Bạn có sẵn sàng làm việc vào cuối tuần hay chỉ từ Thứ Hai đến Thứ Sáu? Bạn muốn duy trì lịch làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều hay mong muốn những lựa chọn linh hoạt hơn?

Tiếp theo, hãy tự đánh giá về năng lực của bản thân. Ghi lại khả năng, thành tích, sở thích, nguyên tắc cá nhân và tiềm năng của bạn. Danh sách này sẽ giúp gợi ý “điểm thu hút” của bạn - điều khiến bạn nổi bật so với các ứng viên còn lại. Quan trọng hơn, nó cho thấy kế hoạch của bạn có thực tế hay không - và nếu không, thì bạn cần phải cải thiện những khía cạnh nào.

2. THEO CHÂN NHỮNG CẬP NHẬT MỚI NHẤT

Không phải là theo chân nhà Kardashian, mà là với các xu hướng từ thị trường lao động.

Với sự thay đổi không ngừng hiện nay, kinh nghiệm dày dặn và sự hiểu biết sâu về chuyên môn vẫn chưa thể đảm bảo bạn có thể tìm được những công việc hàng đầu. Sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 đã định hình lại cách chúng ta làm việc, vai trò của các nhà lãnh đạo, cũng như mối quan tâm của việc nâng cao kỹ năng và tái kỹ năng. Nếu bạn không nắm được điều gì đang diễn ra, bạn sẽ sớm bị bỏ lại phía sau.

Chẳng hạn như, các doanh nghiệp đang tiến hành số hóa, bạn có tự tin rằng bản thân sẽ theo kịp những công nghệ mới? Các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm các kỹ năng mới từ sau dịch bệnh. Bạn đã nắm vững những kỹ năng này và đề cập đến chúng trong CV của mình chưa?

3. CHUẨN BỊ TRƯỚC MỌI TÀI LIỆU

Rất nhiều lần, người tìm việc đến với chúng tôi cùng với một bản CV bao gồm mọi vị trí mà họ từng đảm nhiệm - ngay cả khi chúng không liên quan đến vị trí đang ứng tuyển. Và khi chúng tôi hỏi về thư xin việc hoặc bảng tóm tắt các dự án/thành tích (portfolio) của họ, sẽ phải mất vài ngày để có được phiên bản hoàn hảo cuối cùng. Thời gian chờ đợi này có thể làm vụt mất một cơ hội hoàn hảo. Ngoài ra, cũng thật khó để nói rằhg liệu những ứng viên này có thực sự quan tâm với công việc họ đang nộp đơn hay không.

Nếu bạn không muốn giống họ, hãy chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng trước khi bắt đầu tìm kiếm việc làm.

Đối với mỗi công việc, hãy soạn một bản CV thật ấn tượng với chi tiết về các kỹ năng và kinh nghiệm liên quan. Đảm bảo những liên hệ tham chiếu đều hiểu rõ về khả năng của bạn và sẵn sàng nói tốt về bạn.

Với thư xin việc, hãy nêu rõ lý do tại sao bạn phù hợp với vị trí đó và bạn sẽ đóng góp như thế nào vào thành công của công ty.

Đối với một số vai trò nhất định, bạn có thể cần một bản portfolio thể hiện khả năng và thế mạnh của bản thân.

Cuối cùng, đừng mắc bất kỳ lỗi ngữ pháp nào!

4. TĂNG CƯỜNG HÌNH ẢNH CỦA BẠN TRÊN CÁC TRANG TRỰC TUYẾN

Thực tế là mọi người đều có thể tìm kiếm trên Google và xem qua các hoạt động trực tuyến của bạn. Vì vậy, hãy loại tất cả nội dung dễ gây nghi vấn và đảm bảo rằng tài khoản của bạn phù hợp với nhà tuyển dụng, đặc biệt là trên LinkedIn.

Dưới đây là một số điều đơn giản bạn có thể làm trên trang mạng chuyên nghiệp này:

  • Sử dụng ảnh hồ sơ lịch sự nhưng vẫn thân thiện;
  • Dùng các từ khóa phổ biến trong lĩnh vực để viết phần tiêu đề và mô tả;
  • Điền nhiều phần nhất có thể;
  • Đề cập đến các nhiệm vụ và thành tích đáng kể cho mỗi vị trí từng làm – hãy dùng số liệu bất cứ khi nào có thể;
  • Đăng cập nhật, bài viết, liên kết hoặc chia sẻ phản ánh sở thích và chuyên môn của bạn;
  • Tham gia các nhóm LinkedIn và kết nối với những người cùng chí hướng.

Để củng cố hình ảnh của bạn trong tâm trí nhà tuyển dụng mà bạn đang hướng tới, hãy tương tác với các trang mạng xã hội của thương hiệu đó. Tương tác với một vài bài đăng, để lại những bình luận ngắn gọn và thân thiệu, và chú ý cách họ xây dựng hình ảnh nhà tuyển dụng. Trong trường hợp lý tưởng nhất, nhà tuyển dụng sẽ nhận ra bạn và những tương tác tích cực của bạn. Ngay cả khi họ không dành nhiều thời gian trên mạng, bạn vẫn có được một chủ đề thú vị cho trò chuyện ngắn trước cuộc phỏng vấn chính thức.

5. CUỐI CÙNG, HÃY LUÔN TÍCH CỰC

Chúng tôi đã gặp phải ​​điều này nhiều lần trước đây. Người tìm việc bắt đầu cuộc tìm kiếm với rất nhiều mong đợi và kỳ vọng, nhưng cuối cùng trở nên thất vọng và chán nản sau một vài lần bị từ chối. Giờ thì họ trở nên tuyệt vọng, dễ dãi và sẵn sàng chấp nhận bất kỳ đề nghị làm việc nào xuất hiện lúc đó.

Nhưng bạn biết không? Mọi người tìm việc đều đã trải qua giai đoạn này!

Tin chúng tôi đi! Chúng tôi đã tuyển dụng hàng nghìn vị trí, từ các vị trí cấp thấp đến các vai trò quản lý. Và rất ít ứng viên có thể tìm được một công việc hoàn hảo ngay từ lần nộp đơn đầu tiên, hoặc buổi phỏng vấn đầu tiên.

Ngay cả những ứng viên tài năng nhất cũng đã bị từ chối!

Hãy tự tin lên nào. Không sớm thì muộn, bạn cũng sẽ tìm được công việc mơ ước của mình!

Nguồn: Adecco