BẮT KỊP XU HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP

Con người bước vào kỉ nguyên 4.0 với hàng loạt sự sáng tạo, phát triển đi đôi với nhiều cơ hội và thách thức. Tất cả mọi thứ đang dần thay đổi để thích hợp với thời đại 4.0 ngày nay. Việc làm cũng không ngoại lệ. Câu hỏi đặt ra cho những "tương lai của đất nước" là làm thế nào để con người tồn tại và làm chủ trong công việc, thay vì robot?

Ảnh: Unsplash

Công nghệ thay đổi mọi thứ

Bà Trần Yên Định, Giám đốc Khối Giáo dục, Microsoft Việt Nam khẳng định, chúng ta đang sống trong thế giới biến đối không ngừng và sự tác động của nền tảng công nghệ thông tin làm cho sự thay đổi thế giới nhanh hơn bao giờ hết. Theo số liệu được đưa ra tại Hội nghị Kinh tế thế giới, với cuộc CMCN 4.0, 65% công việc trong tương lai dành cho thế hệ Z (sinh giai đoạn 1995-2012) vẫn chưa xuất hiện. Những công việc hôm nay chúng ta cần 50% kiến thức về mặt công nghệ thì trong tương lai sẽ tăng lên 77%.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, ông Ngô Quang Vịnh - Chuyên gia Giáo dục và Y tế Ngân hàng phát triển châu Á - ADB nhấn mạnh, trong lịch sử đã diễn ra, các cuộc CMCN lấy đi công việc cũ nhưng lại tạo ra công việc mới. “Rất khó nói trong 5 - 10 - 20 - 50 năm tới những công việc nào được sinh ra. Tôi chỉ có thể nói, các công việc mang tính chất chân tay, lặp đi lặp lại sẽ dần dần biến mất/ bị thay thế bởi blockchain, trí tuệ nhân tạo. Những công việc mang tính nặng về nhận thức, tương tác, giao tiếp, tư duy phản biện và sáng tạo sẽ luôn luôn được sinh ra mới", ông Vịnh nói.

Giá trị của cảm xúc

“Khi nói về nguy cơ này, tâm lý chung của các giới trong xã hội là có phần lo lắng. Nhưng lại có góc nhìn khác: dù thay đổi như thế nào thì con người vẫn là trung tâm của cuộc sống, chỉ có điều là chúng ta cần thay đổi chính chúng ta để nắm bắt cơ hội”, bà bà Vũ Hồng Thương, chuyên gia về nguồn nhân lực của Deloitte Consulting Vietnam (Dịch vụ tư vấn nguồn nhân lực) chia sẻ. “Ưu thế của con người là năng lực sáng tạo. Ở thời đại mà số hóa ngày càng nhiều hơn thì chúng ta càng phải “con người” nhiều hơn, nghĩa là càng phải nhiều cảm xúc hơn”.

Ảnh: JupViec.vn

Công việc ổn định là lạc hậu

Công việc ổn định là một thuộc tính trong thị trường lao động truyền thống, vì thế đây cũng là mục tiêu mà người lao động hướng tới khi đi tìm việc. Nhưng nếu giờ đây, ai đó vẫn tìm kiếm công việc ổn định nghĩa là họ đi ngược lại với xu thế thời đại. Trong tương lai sẽ ngày càng ít đi công việc mà mình có thể gắn bó trọn đời, đồng thời phát triển nhiều việc làm được thực hiện theo hợp đồng hoặc dự án ngắn hạn. Công việc thay đổi liên tục sẽ tạo cơ hội cho giới trẻ được lựa chọn việc làm theo sở thích, hoặc làm những gì mà tại thời điểm nhất định các bạn ấy thấy có hứng thú nhất. Ngay cả doanh nghiệp cũng cần thay đổi để đi theo xu thế này.

 

Bà Thương cũng gửi thông điệp có tính khuyến cáo tới các doanh nghiệp trước xu hướng chuyển đổi trong bản chất công việc sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới. Quản trị doanh nghiệp trước kia vì lợi nhuận là chính, còn bây giờ thì vì giá trị và mục đích phát triển với nhau là chính. “Khi mà vai trò của con người trong công việc được cá nhân hóa, nếu người lãnh đạo không chia sẻ được với người lao động thì họ không gắn bó. Một khi người lao động làm việc theo sở thích, theo hứng thú và họ không định gắn bó 20 năm cho một nơi nào đó, nếu chỉ trả lương bằng tiền thì đơn vị sử dụng lao động chưa chắc đã giữ được chân giới trẻ. Đơn vị tuyển dụng phải giá trị nào đó gợi lên niềm yêu thích của thế hệ mới thì họ mới thấy hấp dẫn để làm việc cho các bạn. Đó sẽ là một thay đổi rất cơ bản trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0”.

 

Theo Dân Trí, Thanh Niên