Dịch Covid-19 đã tạo nên những tác động đối với những hoạt động tuyển dụng của doanh nghiệp, nhưng nhìn chung thị trường nhân sự Việt Nam vẫn diễn biến khá tích cực.
Thị trường nhân sự Việt Nam 2021 chuyển biến tích cực hơn ở nhiều lĩnh vực, theo ông Adrien Bizouard - Giám đốc Điều hành Robert Walters Việt Nam.
Năm 2020 gây ra nhiều thách thức với thị trường lao động trên toàn thế giới, bao gồm Việt Nam. Theo báo cáo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 12/2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, bao gồm bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập... Từ góc độ doanh nghiệp, việc tối ưu chi phí nhưng vẫn tuyển dụng, giữ chân người tài là bài toán khó, trong bối cảnh toàn nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.
Theo ông Adrien Bizouard - Giám đốc Điều hành Robert Walters Việt Nam, trong năm 2021, trong bối cảnh Việt Nam kiểm soát tốt đại dịch, thị trường lao động sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Đại diện đơn vị tuyển dụng nhân sự chất lượng cao hàng đầu thị trường chia sẻ dự báo về thị trường nhân sự trong năm nay.
- Covid-19 tác động như thế nào đến mặt bằng thu nhập chung tại Việt Nam?
- Xét trên quy mô toàn cầu, thị trường nhân sự năm 2020 của Việt Nam vẫn diễn biến khá tích cực. Mặc dù hoạt động tuyển dụng có giảm trong quý II do ảnh hưởng từ Covid-19, nhưng chúng tôi đã sớm nhận thấy sự phục hồi trở lại trong quý III, khi các doanh nghiệp trong nước giải thích với đối tác toàn cầu của họ rằng Việt Nam là khu vực an toàn để kinh doanh và đầu tư. Nhu cầu tuyển dụng đã bắt đầu tăng trở lại ở nhiều lĩnh vực.
Chúng tôi dự báo mức lương cho người chuyển việc trong năm 2021 nhiều khả năng sẽ tương đương với mức trước đó của họ. Do các công ty đang thận trọng, xem xét kỹ các điều kiện của thị trường trước khi đưa ra bất kỳ cam kết nào với người lao động. Tuy nhiên, các công ty vẫn sẽ đưa ra các điều khoản lương hấp dẫn cho những người tìm việc có kỹ năng đặc biệt, nhất là trong các ngành công nghệ. Sau khi đạt được những kết quả tích cực trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19, Việt Nam đang trở thành "thỏi nam châm" thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài ở khu vực châu Á.
- Vậy điều này sẽ tác động như thế nào đến thị trường tuyển dụng trong thời gian tới?
- Các doanh nghiệp quốc tế vẫn mở rộng sang Việt Nam vì họ thấy giá trị chiến lược của đất nước. Xét theo ngành, các công ty hoạt động tốt nhất vào năm 2020 tiếp tục là các công ty có cổ phiếu và kênh phân phối trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh (FMCG), do tiêu dùng nội địa ngày càng tăng.
Các lĩnh vực tích cực kế tiếp, bao gồm: dược phẩm, hàng tiêu dùng, hàng hiệu, kỹ thuật số và công nghệ cho chuyển đổi kinh doanh của tổ chức, giáo dục, năng lượng tái tạo, xây dựng và bất động sản. Ngay cả các lĩnh vực từng bị ảnh hưởng như sản xuất, nội thất và điện tử cũng dần trở về đúng quỹ đạo và đang chuẩn bị cho hoạt động tuyển dụng mới.
Năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục thể hiện là một môi trường kinh doanh và tuyển dụng hấp dẫn. Tầng lớp trung lưu cởi mở với việc tiêu thụ hàng hoá đang tăng nhanh, các hiệp định thương mại hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế đất nước và việc tập trung lấy lại niềm tin khách hàng từ các thương hiệu nội địa sẽ giúp giảm thiểu những tác động còn sót lại hoặc diễn tiến mới của đại dịch.
Xu hướng chuyển đổi kinh doanh và số hoá của các công ty vẫn duy trì trong năm 2021. Các doanh nghiệp công nghệ bản địa, chẳng hạn các công ty công nghệ tài chính, y tế và giáo dục (Fintech, Healthtech và Edutech), cũng sẽ tìm cách gia nhập thị trường. Hệ sinh thái nhân tài của Việt Nam vẫn sẽ là một thực tiễn mới và đầy thách thức đối với các công ty nước ngoài vào năm 2021.
- Tỷ lệ nhân viên cấp cao nhảy việc lên đến 86% theo báo cáo của Robert Walters ảnh hưởng thế nào đến các doanh nghiệp?
- Dịch chuyển nhân sự là diễn biến bình thường của thị trường tuyển dụng. Người lao động có xu hướng tìm kiếm môi trường an toàn hơn và so sánh với những điều kiện đang có ở công ty hiện tại. Ngược lại, người thuê lao động phải tìm cách cải thiện môi trường làm việc và cố gắng giữ chân những nhân sự muốn từ chức.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nên lo lắng về nguy cơ mất đi nhân sự cấp C, bởi tôi dự đoán sẽ xuất hiện làn sóng "nhảy việc" ở một số ngành, lĩnh vực đặc biệt. Đó là lý do tại sao một số công ty đang tăng cường các biện pháp bảo vệ nguồn nhân lực.
- Lời khuyên của ông dành cho các doanh nghiệp trước rủi ro này là gì?
- Đối với các công ty đang tìm cách tuyển dụng nhân tài vào năm 2021, lời khuyên trước tiên của tôi là hãy tổ chức đối thoại nội bộ sớm để xem liệu có thể tìm được nguồn lực sẵn có hay không. Các công ty có thể thử luân chuyển nhân tài qua các vị trí hoặc lĩnh vực công việc mới. Khi tìm kiếm tài năng bên ngoài, hãy đảm bảo mô tả công việc được thiết kế dựa trên nguồn lực sẵn có của thị trường và thuê người có tiềm năng thay vì tìm một ứng viên có hồ sơ hoàn hảo.
Các công ty cũng cần cải thiện thương hiệu của mình để thu hút thêm nhân tài, mà một khâu quan trọng không thể bỏ qua là từ quy trình tuyển dụng và quản lý nhân sự. Cũng nên tiếp nhận những hồ sơ tiềm năng, vì điều đó có thể giúp doanh nghiệp chủ động tiếp cận được với nguồn nhân tài khi cần.
Với chuyên gia tại Việt Nam, lời khuyên của tôi là hãy luôn suy nghĩ kỹ trước khi chuyển sang một công việc khác. Gắn bó một thời gian dài với một công ty sẽ có lợi cho triển vọng nghề nghiệp về lâu dài của bạn.
Nguồn: VnExpress