VIẾT THƯ CẢM ƠN CỨ TƯỞNG LÀ ĐƠN GIẢN ...

Hầu hết các ứng viên luôn chăm chút kĩ lưỡng cho chiếc CV và buổi phỏng vấn của mình, mà quên rằng thư cảm ơn sau buổi vấn cũng rất quan trọng. Việc viết thư cảm ơn nghe có vẻ không cần thiết, thậm chí thừa thãi, nhưng hiệu quả và sự quan trọng của nó sẽ ảnh hưởng đến kết quả phỏng vấn của bạn. Hãy chăm chút cho lá thư đáp tạ ấy ngay từ bây giờ.

Tại sao bạn phải viết thư cảm ơn?

Lá thư cảm ơn không chỉ thể hiện thái độ lịch sự, mức độ quan tâm của bạn đối với vị trí ứng tuyển mà còn tạo ấn tượng tốt với Nhà tuyển dụng. Đây cũng là cách “nhắc khéo” nhà tuyển dụng “Đừng quên tôi!” Sau khi tham gia phỏng vấn, dù kết quả như thế nào thì việc gửi đi một bức thư cảm ơn đến công ty bạn đã ứng tuyển thể hiện bạn là một người chín chắn, chuyên nghiệp. Bạn sẽ cho thấy bạn là một ứng viên lịch sự, nhiều thiện chí, thành ý mong muốn làm việc cho họ.

Những điểm cộng cho thư cảm ơn

1. Thời gian gửi thư

Các ứng viên cần đặc biệt lưu ý việc này. Dù bạn bận rộn đến đâu thì cũng nên dành ra vài phút hoàn chỉnh thư cảm ơn và gửi đi trong vòng 24 - 48 tiếng kể từ lúc bạn được nhà tuyển dụng phỏng vấn. Đừng để muộn hơn. Nếu không, bạn có vẻ như đang thể hiện không thật sự hứng thú và mong muốn được vào làm ở vị trí này.

2. Hình thức thư

Nên nhớ rằng thư cảm ơn cũng quan trọng không kém CV. Thế nên về mặt hình thức, thư cảm ơn cần được trình bày trên tờ giấy A4 (khoảng nửa trang là được). Bạn nên đính kèm một file bản word.

Bố cục đơn giản, nhẹ nhàng, ngôn ngữ chân thành, trong sáng. Không khuôn mẫu, đừng quá văn hoa, không tâng bốc quá mức nhà tuyển dụng. Không trình bày lại nội dung buổi phỏng vấn vì mất thời gian.

Khi viết cần chú ý súc tích, ngắn gọn và đặc biệt không được sai chính tả, sai ngữ pháp.

Không viết sai danh tính, chức vụ của nhà tuyển dụng hoặc tên công ty. Vì bạn đã từng tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn.

3. Cung cấp thông tin liên lạc chính xác

Đừng viết thư cảm ơn để nhà tuyển dụng thấy khó chịu, khi đọc xong cả email dài nhưng vẫn chưa thấy phần thông tin cần thiết về bạn ở đâu. Nếu bạn thay đổi thông tin liên lạc, đây cũng là lúc để bạn cập nhật cho nhà tuyển dụng. Vì thế, hãy cung cấp lại thông tin địa chỉ chính xác.

4. Nhấn mạnh lại thông tin cần thiết

Hãy để nhà tuyển dụng thấy được bạn đã rất tập trung và chú ý đến buổi phỏng vấn của họ bằng cách nhấn mạnh lại những nội dung quan trọng. Đồng thời, bạn đề cập đến việc bản thân có đầy đủ những tố chất và kinh nghiệm để đảm nhận vị trí việc làm đó.

5. Nêu thiện chí

Gợi cho nhà tuyển dụng thấy, cuộc phỏng vấn thực sự hữu ích cho bạn. Do đó, bạn mong muốn có được sự hợp tác tích cực. Nếu như bạn đã được chấp nhận vào làm việc rồi thì không nên đòi hỏi sự “hỗ trợ” hay giúp đỡ nào tiếp theo trong thư.

6. Giọng văn chân thành

Thư cảm ơn phải thể hiện sự chân thành của bạn. Bằng cách nói chân thật nhất của mình, hãy làm cho người đọc tin rằng bạn thật sự đề cao tầm quan trọng của cuộc phỏng vấn và thực tâm cảm ơn nhà tuyển dụng đã dành thời gian cho bạn cơ hội này.

Bố cục thư cảm ơn

Thư cảm ơn cũng có bố cục 3 phần rõ ràng như những thư khác.

Mở đầu: Cảm ơn nhà tuyển dụng đã quan tâm hồ sơ của bạn và đã mời bạn đến dự buổi phỏng vấn.

Nội dung: Đề cập đến buổi phỏng vấn vừa diễn ra, những gì bạn đã học hỏi được sau khi được nhà tuyển dụng phỏng vấn, rút ra điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và thể hiện mong muốn được làm việc cho công ty.

Lời kết: Lặp lại lời cảm ơn chân thành đến nhà tuyển dụng. Cho nhà tuyển dụng biết rằng bản thân bạn đang đợi kết quả phỏng vấn.

Thư cảm ơn không phải là yếu tố duy nhất quyết định việc bạn thành công hay thất bại cho buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, lá thư ấy sẽ giúp bạn tăng điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng, nếu bạn lưu tâm đến những yếu tố trên. Hãy kỹ tính với tất cả mọi thứ bạn trao cho họ, trong đó có thư cảm ơn. Bởi nó thể hiện, bạn là người như thế nào.

 

Theo: HR Insider và Tuổi Trẻ Online