5 CÁCH ĐỂ TỪ CHỐI ỨNG VIÊN MỘT CÁCH KHÉO LÉO

Khi kết thúc quá trình tuyển dụng, đã bao giờ bạn quá hào hứng với những thành viên mới mà vô tình quên đi những ứng viên không đủ tiêu chuẩn còn lại? Việc gửi từ chối cho nhóm ứng viên này trong khi vẫn duy trì thiện cảm và mối quan hệ với họ thật sự là một thách thức cho không ít nhà tuyển dụng.

Dưới đây là 5 lời khuyên từ để giúp bạn giải bài toán này:

5 CÁCH ĐỂ TỪ CHỐI ỨNG VIÊN KHÉO LÉO

1. THÔNG BÁO SỚM NHẤT CÓ THỂ

Thông thường, các nhà tuyển dụng sẽ đợi đến khi đã tuyển được ứng viên phù hợp để đưa ra thông báo chính thức cho các ứng viên bị từ chối. Trong khi đó, những ứng viên này có thể đã từ chối các lời mời làm việc khác, hoặc thậm chí tạm ngừng quá trình tìm kiếm việc làm của họ để chờ đợi tin tốt từ bạn.

Họ đã đầu tư thời gian và kỹ năng để ứng tuyển vào công ty của bạn, vì vậy họ xứng đáng được nghe thông tin từ bạn trong thời gian nhanh nhất. Việc sớm đưa ra lời từ chối cũng cho thấy sự tôn trọng mà bạn dành cho nỗ lực của họ.

2. CÁ NHÂN HÓA VIỆC GIAO TIẾP

Hãy bắt đầu cuộc trò chuyện với các ứng viên này bằng tên của từng ứng viên và cảm ơn vì họ đã quan tâm đến vị trí mà bạn đang tuyển dụng. Bạn đang mang đến cho họ tin xấu, vì vậy ít nhất hãy đối xử lịch sự với họ.

Thêm vào đó, đối với những ứng viên đã tiến sâu hơn vào quá trình phỏng vấn, bạn nên dành nhiều thời gian hơn để thể hiện sự tôn trọng của mình. Nếu bạn chỉ vừa thực hiện một cuộc phỏng vấn nhanh qua điện thoại với ứng viên, một email ngắn để từ chối sẽ giúp bạn  tiết kiệm thời gian trong khi vẫn đảm bảo tính chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đối với những ứng viên đã tham gia phỏng vấn trực tiếp, bạn nên gọi trực tiếp cho họ để thông báo về quyết định của mình

3. HÃY TRAO ĐỔI NGẮN GỌN

Bạn có thể đưa ra lý do cho quyết định của mình, tuy nhiên, đừng lãng phí thời gian và làm cho cuộc trò chuyện trở nên tồi tệ hơn bằng việc thảo luận chuyên sâu và chi tiết về biểu hiện của họ trong quá trình tuyển dụng.

Thay vào đó, bạn nên thông báo ngắn gọn với 1 hoặc 2 câu để nhấn mạnh các điểm mạnh của đối phương và nêu lý do tại sao họ không phù hợp với vị trí tại công ty của bạn. Chẳng hạn như: “Chúng tôi thực sự ấn tượng với kiến ​​thức và kỹ năng thực tiễn của bạn. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, chúng tôi đang tìm kiếm một ứng cử viên giàu kinh nghiệm lãnh đạo hơn”. Ứng viên của bạn sẽ nhận ra những khía cạnh mà họ nên cải thiện, và bạn có thể kết thúc cuộc trò chuyện này một cách nhanh chóng.

4. LUÔN THÀNH THẬT 

Đừng an ủi ứng viên một cách miễn cưỡng với những lời khen không có thật. Nếu không thể tìm thấy bất kỳ điểm mạnh nào ở một ứng viên, bạn chỉ cần cảm ơn sự nhiệt tình của họ đối với các vị trí tại công ty bạn.

Đôi khi, bạn có thể thấy rõ một ứng viên không phù hợp với văn hóa làm việc hoặc với bất kỳ vị trí nào trong công ty. Trong trường hợp này, đừng cố đưa ra lời hứa về việc sẽ liên hệ với họ trong tương lai.

5. KẾT NỐI VỚI CÁC ỨNG VIÊN TIỀM NĂNG

Nếu bạn phải từ chối một ứng viên mà bạn nhận thấy có thể là nhân viên tiềm năng cho một vị trí khác, hãy cho họ biết rằng bạn thực sự muốn giữ liên lạc với họ cho các cơ hội sắp tới. Đừng quên lưu lại thông tin và kết nối với họ qua LinkedIn hoặc các sự kiện của công ty để tạo bước đệm hiệu quả cho việc tuyển dụng nhân tài của bạn trong tương lai.

Nguồn: Adecco